Nhiều vùng quê nghèo tại Tuyên Quang đang từng ngày khoác lên mình diện mạo mới với những ngôi nhà khang trang, kiên cố nhờ nguồn tiền từ lao động đi làm việc tại nước ngoài. Thực tế cho thấy, xuất khẩu lao động tại tỉnh miền núi này đã mang lại hiệu quả tích cực.
Năm 2011, bà Lê Thị Chanh, thôn Tân Biên 1 đã dùng 50 triệu đồng vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cùng số tiền tích góp của gia đình để cho cậu con trai cả đi XKLĐ Đài Loan (Trung Quốc). Thời điểm bấy giờ đó là một quyết định táo bạo nhưng đã mang lại sự thay đổi lớn cho cả gia đình.
“Nhà có 3 con lại thuộc hộ nghèo của xã, thiếu đất canh tác nên cuộc sống vất vả, quanh năm nơm nớp lo cái ăn. Tụi trẻ nhà tôi cũng ý thức được việc đó, hết lớp 12 tôi đánh liều cho 1 đứa đi nước ngoài xem có khá hơn, cũng may mắn là cậu trai cả sang Đài Loan (Trung Quốc) có việc đều, tiền gửi về trả nợ, 2 đứa sau cũng theo anh sang đó làm”.
Đến nay con trai cả của bà Chanh đã đi XKLĐ được 11 năm, người con út được 8 năm, người con dâu được 4 năm. Bình quân mỗi năm các con bà gửi về được 500 – 600 triệu đồng. Không còn nợ nần bà Chanh dùng tiền các con gửi về đầu tư nuôi ong mật cũng kiếm thêm cả trăm triệu đồng mỗi năm. Căn nhà khang trang trị giá hơn 1,5 tỉ đồng của vợ chồng người con trai cả cũng vừa mới được hoàn thiện xong.
Tân Biên 1 từng được biết đến là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Tiến Bộ (Yên Sơn, Tuyên Quang) nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước, ngày nay Tân Biên 1 được gọi với cái tên “thôn Đài Loan”. Cả thôn có 168 hộ thì có đến 30 hộ có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhờ nguồn ngoại tệ chuyển về mà vùng quê nghèo như có thêm sức sống mới.
Ông Trần Văn Sự – Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ – cho biết, phong trào đi XKLĐ ở xã bắt đầu từ những năm 2010, ban đầu chỉ vài hộ, nhưng khi thấy một số hộ kiếm được tiền gửi về cho gia đình, xây dựng nhà cửa, mua sắm tài sản có giá trị thì mọi người bảo nhau đi nhiều. Đến nay toàn xã có trên 50 người đi XKLĐ chủ yếu ở các nước Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.
Cách đó hơn 90km, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thế Anh, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) đã có cuộc sống mới khá giả nhờ nguồn vốn tích luỹ được từ những năm tháng đi XKLĐ tại Nhật Bản. Với anh Thế Anh nếu không đi XKLĐ thì không biết sau bao nhiêu năm nữa mới có được cơ ngơi như hiện tại.
“Năm 2015 tôi vay mượn tiền để đi XKLĐ Nhật Bản làm thợ cơ khí, sau khi trừ chi phí mỗi tháng cũng để ra được gần 30 triệu đồng. Sau 3 năm hết hạn hợp đồng về nước, một phần vốn tích luỹ dùng để xây lại ngôi nhà, hơn 700 triệu đồng còn lại anh để làm xưởng chế biến chè và trồng quế. Đến nay, mỗi năm cũng thu nhập ổn định 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 người khác, thực sự nếu không đi XKLĐ thì khó mà có được số vốn lớn thế” – anh Thế Anh chia sẻ.
Trao đổi với PV, bà Lý Thị Hải Hiền – Trưởng phòng Lao động (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang) – cho biết, những năm qua, việc đưa người đi làm việc tại nước ngoài trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Chỉ riêng trong năm 2023, toàn tỉnh có 1.061 người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng 1.061 người, vượt 17% kế hoạch đặt ra và tăng 4% so với năm 2022.
Nguồn: https://laodong.vn/viec-lam/xuat-khau-lao-dong-gop-phan-thay-doi-dien-mao-nhieu-vung-que-tuyen-quang-1292486.ldo