Hơn 10.000 lao động miền núi xứ Nghệ đi làm việc ở nước ngoài

Người đăng: admin

Năm 2023, trong hơn 25.000 lao động tỉnh Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài, có hơn 10.000 lao động thuộc 11 huyện miền núi… tập trung vào các thị trường chính như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tạo việc làm mới cho gần 48.000 người, tăng 6.48%

Năm 2023, Nghệ An đã tạo việc làm mới cho gần 48.000 người, tăng 6.48% so với năm 2022. Trong đó, hơn 25.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 102,43% so với năm 2022, 14.000 lao động làm việc trong tỉnh, hơn 8.700 lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh.

Trong hơn 25.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hơn 10.000 lao động thuộc 11 huyện miền núi, chiếm 39,19% toàn tỉnh, tập trung vào các thị trường chính như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu.

Ngoài ra, một số thị trường Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt đối với thị trường Romania đã tác động mạnh đến người lao động của các huyện miền núi.

Năm 2024, toàn tỉnh Nghệ An phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 47.000 lao động, trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 16.500 người.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động nước ngoài, đặc biệt tập trung vào các thị trường Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, đưa tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động lên 60%.

Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành, thị dưới 3% và thất nghiệp khu vực nông thôn dưới 2%. Chuyển dịch cơ cấu lao động: Nông – lâm – ngư nghiệp xuống 34,59%; Công nghiệp – xây dựng, dịch vụ lên 65,41%. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70,1%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,6%.

Theo ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: “Năm 2024, tỉnh tiếp tục thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Song song, Nghệ An còn hỗ trợ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

“Nhờ chính sách tháo gỡ quan trọng này, người dân các huyện vùng miền Tây Nghệ An, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, có thêm cơ hội được thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động”, ông Long nhấn mạnh.

Thêm cơ hội thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong tìm kiếm việc làm

Từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã giúp hàng nghìn lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Nghệ An tìm được việc làm ổn định. Trong đó, các dự án này đặc biệt phát huy hiệu quả đối với đồng bào vùng cao khi được hỗ trợ đi xuất khẩu lao động.

Ông Hoàng Văn Xô ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông, Nghệ An) cho biết, con trai ông là Hoàng Văn Nhã, sau khi học hết cấp ba, lao động ở địa phương một thời gian, song không ổn định nên đã ra Hải Dương xin việc xong cũng không ổn định.

“Trước tình trạng đó, cháu nghỉ việc trở về quê. May mắn thông qua cán bộ huyện và xã, gia đình biết được thông tin các công ty Nhật Bản tuyển lao động, lại có cán bộ chuyên môn hướng dẫn.

Ngoài ra, còn được hỗ trợ các chi phí hơn 12 triệu đồng, nên gia đình tôi vay thêm tiền để cho con đi xuất khẩu lao động. Tổng chi phí cho cháu đi hết khoảng 140 triệu đồng. Nhã sang Nhật từ tháng 11/2023, đến nay đã có tiền gửi về nhà”, ông Hoàng Văn Xô vui vẻ khoe.

Ông Phan Thanh Hùng – Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội, UBND huyện Con Cuông cho biết, năm 2023 từ hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Quốc gia, số lượng người dân Con Cuông đi xuất khẩu lao động tăng đột biến, gần gấp 3 các năm trước.

Cụ thể, toàn huyện có 306 người đi xuất khẩu lao động, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 179 người. Có những xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới cũng có hàng chục người đi xuất khẩu lao động như xã Môn Sơn 45 người, xã Thạch Ngàn hơn 40 người, xã Châu Khê hơn 30 người…

Theo ông Lê Văn Thuý, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội – Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An: “Mỗi lao động đi xuất khẩu được hỗ trợ theo nhiều mức, trong đó mức cao nhất đến 15 triệu đồng/người. Người dân được thụ hưởng từ nguồn giải ngân các dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia, cụ thể là Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4.

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023; Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 512,480 tỷ đồng.

Từ nguồn hỗ trợ này, các cấp ngành đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.015 lao động; tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 40.000 người… góp phần giúp toàn tỉnh giảm được khoảng 1,2% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó vùng miền núi giảm được 2,2%.

Được biết, năm 2024, tỉnh Nghệ An hỗ trợ gần 96 tỷ đồng để xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo

Riêng nguồn vốn Hỗ trợ việc làm bền vững, Nghệ An được giao năm 2024 từ nguồn Ngân sách trung ương giao vốn sự nghiệp gần 18 tỷ đồng. Các hoạt động của dự án góp phần kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.

Nhờ chính sách quan trọng này, người dân các huyện miền Tây Nghệ An, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, có thêm cơ hội được thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động.

Các tin tức liên quan

Copyright © 2020 by JHL Group All right reserved

Công ty Cổ phần Tập đoàn Cung ứng nguồn nhân lực JHL Việt Nam

41 Lê Hồng Phong, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đình Thám.

JHL Germany – Du học Đức

Block 11 UDIC Westlake, Đường Võ Chí Công, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0886 963 989

Trung tâm giáo dục định hướng

Nhà C3 – DDN1 Lô NO.02, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội
Điện thoại: (024) 3757 8814