Ngoài nâng lãi suất, BOJ còn đưa ra một chương trình thắt chặt định lượng (QT)…
Trong một động thái về cơ bản nằm ngoài dự báo, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 31/7 nâng lãi suất và công bố kế hoạch chi tiết cắt giảm chương trình mua trái phiếu, tiến thêm một bước trong việc rút lại chính sách kích cầu khổng lồ đã áp dụng cả 1 thập kỷ.
Trước khi diễn ra cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày này của BOJ, thị trường nghiêng về khả năng lãi suất ngắn hạn được giữ nguyên. Với động thái tăng lãi suất thứ hai sau đợt tăng đầu tiên vào tháng 3, lãi suất cho vay qua đêm của BOJ tăng lên mức 0,25% từ khoảng 0-0,1% trước đó.
Đây là mức lãi suất cao nhất của BOJ kể từ năm 2008. Trong số 9 thành viên biểu quyết tại cuộc họp, có 7 người tán thành và 2 người phản đối việc tăng lãi suất.
Ngoài nâng lãi suất, BOJ còn đưa ra một chương trình thắt chặt định lượng (QT), theo đó đến quý 1/2026 sẽ giảm một nửa lượng mua trái phiếu hàng tháng còn 3 nghìn tỷ yên, tương đương 19,6 tỷ USD, từ mức 6 nghìn tỷ yên hiện nay.
Việc Nhật Bản dịch chuyển theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ là một sự đối nghịch với xu hướng của các nền kinh tế phát triển khác hiện nay là cắt giảm lãi suất. Theo dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – ngân hàng trung ương cũng đang có một cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày – sẽ phát tín hiệu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 năm nay, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ xuống thang.
Tại họp báo sau cuộc họp của BOJ, Thống đốc Kazuo Ueda nói cơ quan này có thể thắt chặt chính sách thêm nữa nếu thực tế yêu cầu phải hành động như vậy. “Nếu nền kinh tế và giá cả diễn biến phù hợp với dự báo của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng lãi suất. Từ tháng 4 tới nay, chúng tôi không thay đổi đáng kể các dự báo. Chúng tôi không cho rằng mức lãi suất 0,5% là bất kỳ một rào cản nào”.
Sau khi quyết định của BOJ được công bố, tỷ giá đồng yên so với đồng USD có lúc tăng tới 0,8%, đạt mức cao nhất 3 tháng 151,58 yên đổi 1 USD, nhưng sau đó thu hẹp mức tăng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ.
“Dù tiêu dùng còn yếu, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã gửi đi một tín hiệu quyết đoán thông qua việc tăng lãi suất và chấp nhận giảm quy mô bảng cân đối kế toán với tốc độ chậm rãi hơn”, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của ngân hàng HSBC, ông Fred Neumann, nhận định với hãng tin Reuters.
“Kỳ vọng lạm phát tăng cũng mở ra cánh cửa để BOJ tiếp tục việc bình thường hóa chính sách tiền tệ. Ngoại trừ xảy ra gián đoạn lớn nào đó, BOJ sẽ thắt chặt thêm chính sách. Từ nay tới cuối năm, họ có thể có thêm một đợt tăng lãi suất nữa”, ông Neumann nói.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, BOJ nói quyết định tăng lãi suất được đưa ra trên quan điểm của cơ quan này rằng việc tăng lương đang diễn ra trên diện rộng trong nền kinh tế và buộc doanh nghiệp phải đẩy phần chi phí nhân công tăng thêm về phía người tiêu dùng thông qua tăng giá dịch vụ.
Giá hàng hóa nhập khẩu cũng đang tăng dù tốc độ tăng gần đây có chậm lại đôi chút, BOJ cho biết và nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác với rủi ro lạm phát tăng vọt. “Xét tới việc lãi suất vẫn còn đang ở mức rất thấp, BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất và điều chỉnh mức độ nới lỏng của chính sách tiền tệ” nếu nền kinh tế và giá cả diễn biến phù hợp với các dự báo mới nhất của BOJ – tuyên bố có đoạn.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới cập nhật, BOJ về cơ bản giữ nguyên các dự báo đưa ra hồi tháng 4, gồm lạm phát trong nền kinh tế Nhật sẽ duy trì ở ngưỡng khoảng 2% cho tới hết năm tài khóa 2026.
Việc BOJ tăng lãi suất và Fed tiến tới giảm lãi suất đang hỗ trợ đồng yên hồi phục sau một thời kỳ bán tháo kéo dài dưới áp lực từ sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản. Trong một cuộc khảo sát do Reuters tiến hành vào hôm 10-18/7, hơn 3/4 số chuyên gia kinh tế được hỏi dự báo BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này.
Hồi tháng 3, BOJ có động thái lịch sử khi lần đầu tiên tăng lãi suất sau 17 năm, chấm dứt lãi suất chính sách lãi suất âm cuối cùng còn lại trên thế giới.
Trước lần họp này, ông Ueda cho biết BOJ có mục tiêu đưa lãi suất ngắn hạn lên mức không gây hiệu ứng kích thích hay kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong những năm tới nếu lạm phát duy trì vững ở mức 2% như dự báo. Một số nhà phân tích cho rằng mức lãi suất như vậy dao động trong khoảng 0,5-1,5%.
Trong dự báo mới nhất, BOJ cảnh báo lạm phát có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn so với trước đây từ biến động tỷ giá đồng yên, xét tới việc các công ty hiện đã tăng giá cả và tiền lương rồi. Theo BOJ, khả năng của triển vọng giá cả là nghiêng về tăng, trong cả tài khóa 2024 và 2025, một nhận định cho thấy mối lo ngày càng lớn của BOJ về áp lực lạm phát gia tăng.