GDVN -Mục tiêu tăng quy mô có thể dẫn đến tình trạng tuyển sinh sinh viên quốc tế một cách “bừa bãi” và có thể làm giảm giảm chất lượng của đối tượng này.
Theo các chuyên gia, mục tiêu gia tăng số lượng sinh viên quốc tế của Hàn Quốc đang gặp phải một số cản trở, hạn chế do tình trạng nhập cư bất hợp pháp của quốc gia này.
Năm 2023, Hàn Quốc đã đặt ra mục tiêu rằng đến năm 2027 tuyển sinh được 300.000 sinh viên quốc tế, đây là một kế hoạch nhằm chống lại sự suy giảm tuyển sinh trong nước, đặc biệt là đối với quốc gia đang có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới như vậy.
Theo số liệu được chính phủ Hàn Quốc công bố vào tháng 2 năm nay, tính đến năm 2023, có khoảng 182.000 sinh viên nước ngoài đang theo học tại quốc gia này. Thế nhưng, khi số lượng sinh viên quốc tế tăng lên lại kéo theo tình trạng ngày càng có nhiều người vi phạm luật nhập cư (nhiều người dù hết hạn thị thực vẫn ở lại làm việc) hoặc tham gia vào các hoạt động bị cấm,…
Trên thực tế, trong một thập kỷ qua, chính phủ Hàn Quốc thường xuyên thu hồi quyền của các trường đại học trong việc tuyển sinh sinh viên quốc tế nếu họ tiếp nhận quá nhiều những đối tượng sinh viên ở lại quá hạn, bỏ học hoặc vi phạm các quy định khác về thị thực. Trước khi năm học 2024-2025 diễn ra, đã có khoảng 20 trường đại học không đáp ứng được ngưỡng tuân thủ theo quy định hiện hành đã bị áp đặt các hạn chế (tăng 18 trường so với năm trước).
Trước mục tiêu tăng quy mô sinh viên quốc tế đến năm 2027, ông Jun Hyun Hong – Giáo sư chính sách công tại Đại học Chung-Ang đã bày tỏ lo ngại rằng việc theo đuổi mục tiêu này có thể dẫn đến tình trạng tuyển sinh sinh viên quốc tế một cách “bừa bãi” và có thể làm giảm đi chất lượng của sinh viên quốc tế.
Hơn nữa, theo Giáo sư Jun Hyun Hong, mục tiêu “quốc tế hóa” còn gây ra nguy cơ nghiêm trọng khi tác động tiêu cực đến việc thu hút sinh viên quốc tế đến các trường đại học ở Hàn Quốc. Bởi, thực tế hiện nay, các trường đại học kém chất lượng ở quốc gia này cũng đang tuyển sinh và tiếp nhận sinh viên quốc tế, dẫn đến việc gia tăng nhiều trường hợp ở lại bất hợp pháp hơn.
Trong khi đó, theo ông Kyuseok Kim – Giám đốc dự án tại công ty edtech Uway Global, nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục đại học tại Đại học Hàn Quốc cho biết, chính sách này đã cho chúng ta thấy rõ được những áp lực tài chính mà cả sinh viên và trường đại học ở quốc gia này đang phải đối mặt. Nó cũng nhấn mạnh sự cần thiết của sự cân bằng giữa việc thực thi luật nhập cư và việc hỗ trợ cộng đồng sinh viên quốc tế.
Cũng theo ông Kim, các điều kiện thị thực như yêu cầu sinh viên quốc tế phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tài chính đôi khi khiến họ phải tìm kiếm việc làm trái phép đã gây ra rủi ro cho tình trạng pháp lý và cơ hội tương lai của họ ở Hàn Quốc.
Vậy nên, đứng trước những thách thức đối với công tác quản lý việc tuân thủ thị thực như vậy và trong bối cảnh số lượng sinh viên trong nước ngày càng thu hẹp hiện nay, các trường đại học cần phải giải quyết áp lực về tài chính để từ đó có thể tuyển sinh được nhiều sinh viên quốc tế hơn.
Mặt khác, thông tin từ chính phủ Hàn Quốc cho thấy, có 18 trường đại học, trong đó có Đại học Seoul , Đại học Quốc gia Kyungpook và Đại học Dongguk,… đã được công nhận có năng lực quốc tế hóa xuất sắc. Điều này dựa trên các chỉ số bao gồm khả năng đào tạo ngôn ngữ, chi phí học phí và tỷ lệ bỏ học của sinh viên quốc tế.
Do đó, các tổ chức này sẽ được chính phủ cấp các lợi ích bổ sung, bao gồm cả việc cấp thị thực hợp lý, hỗ trợ và xúc tiến bổ sung của chính phủ, khả năng cấp thị thực cho sinh viên đến từ nhiều quốc gia hơn; mở rộng cơ hội việc làm bán thời gian cho sinh viên quốc tế.
Tuy nhiên, trong khi các trường đại học đang mong muốn đảm bảo vị thế để thu hút nhiều sinh viên nước ngoài hơn, Giáo sư Terri Kim, công tác tại Đại học East London (Anh) lại cho rằng, mục tiêu tăng số lượng sinh viên quốc tế như vậy sẽ dẫn tới việc tiếp tục phân tầng các trường đại học Hàn Quốc.